Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

QUANH GỐC CAU GIÀ

QUANH GỐC CAU GIÀ
Quế Hằng
Nhà tôi ngay cạnh đường cái, cánh cổng mở rộng quanh năm lúc nào cũng như chào đón khách. Mảnh vườn trước cửa đẹp như công viên. Những cây cau thẳng tắp vút lên trời xanh. Dưới gốc cau là giây trầu bám chặt leo vấn vít. Những bụi cây thuốc thâm thấp như mã đề, hương nhu, ngải cứu… đan xen cùng với mấy loại rau thơm tía tô, kinh giới… Dăm gốc hoa sứ, vài khóm hoa hồng, hoa huệ, hoa nhài điểm xuyết thật mê hồn.
Làng tôi không như các làng khác mà đường cái thẳng tắp từ đầu làng đến cuối xóm và có những lối rẽ ngang rẽ dọc như bàn cờ. Tính nết thẳng thắn, thật thà của người làng tôi đã đi vào câu thành ngữ: “Thẳng như ruột ngựa”.
Anh cả tôi là bác sỹ, tuổi đã già nên ở trên thành phố để các con tiện chăm sóc. Bây giờ, trong nhà còn mỗi ông anh thứ tên là Đơ. Khoảng những năm chín mươi, anh Đơ bị một “quả” khốn khổ, khốn nạn. Con mẹ Thực xóm Đông động cỡn, đã bốn mươi tuổi rồi không có chồng mà cái bụng cứ phưỡn ra. Nay tiêm, mai chọc, cứ gọi anh nheo nhéo suốt ngày. Bởi thế nên nay người làng xì môi, bĩu mỏ, mai họp chi bộ Đảng phê bình… Nhiều kẻ rỗi hơi thối mồm chẳng hiểu đâu vào đâu cũng a dua té nước theo mưa:
- Cái lão Đơ gầy như cây tre đực, da xanh bủng xanh beo mà dê cụ nhỉ?
- Nhà ấy toàn người tử tể, sao lão Đơ bỗng dưng lại đổ đốn ra vậy? Rõ là mục mả!
- Thôi thì thêm người thêm của. Nhận đi cho con người ta có bố. Để thế phải tội chết!
- Nghèo rớt mùng tơi lấy gì mà nuôi nhau?
Dân làng này đúng là thật thà. Cái gì cũng tin. Mà lại hay hóng hớt . Trong khi dư luận cứ xầm xì râm ran thế thì anh Đơ chỉ im lặng, chả thèm nói năng gì. Không cãi, thế mới khổ! Thế là họ đổ riệt cho anh cái tội hủ hóa, suy thoái đạo đức và bị khai trừ Đảng. Khai trừ thì khai trừ chứ ăn vàng ăn bạc gì mà ham?! Ấy nhưng tiếng xấu để đời!
Hồi anh đi chiến trường B về, sốt rét đùng đùng, người chỉ còn da bọc xương. Ấy vậy mà vẫn cưới được cô giáo làng. Kể ra như thế cũng tốt chán vì bao người đi như anh không trở về. Làng tôi ngày ấy con gái ế chồng quá nhiều và vợ liệt sĩ cũng quá nhiều! Tội ghê!
Ngày còn làm ở bệnh viện huyện, anh Đơ nghèo lắm! Cái mặt lúc nào cũng nhăn như bị rách, chả bao giờ cười. Thấy anh em về nhà chơi, anh cố cười cho vui thì miệng lại méo xệch. Chắc là anh lo sao cho có bữa cơm ra trò để đãi đằng kẻo mang tiếng!
Anh Đơ về hưu sớm vì không đủ sức để ngày ngày đạp xe lên bệnh viện huyện làm việc. Chị vợ cố tình bỏ anh mà không nói rõ lý do. Anh đơ giỏi lắm! Ai đời đàn ông đàn ang mà tương, cà, mắm, muối làm rất ngon! Bị vợ bỏ rơi, anh lầm lũi gà trống nuôi con. Thế rồi lũ trẻ cũng trưởng thành, lấy vợ lấy chồng và đi làm hết. Buồn, anh cứ hút thuốc lào thuốc lá giải khuây. Càng ngày người anh càng khô đét lại như con cá mắm.
Chị gái tôi khuyên:
- Cậu cai thuốc lá đi kẻo chết non đấy!
Anh Đơ nghe lời. Để đỡ thèm, thỉnh thoảng anh ăn ghé miếng trầu của bà chị. Dần dà, anh không nghiện thuốc nữa mà lại nghiện trầu. Suốt ngày anh bỏm bẻm nhai trầu, lang thang trong làng ngoài xã, đi đâu cũng đem theo ống nghe và cái kim tiêm, để các bà, các chị nào đau yếu thì nghe tim và tiêm cho một mũi thuốc bổ.
Cái làng bé tẹo mà ở đình thờ đến 116 Liệt sỹ hèn gì mà chả lắm người ế chồng. Mấy chị vợ Liệt sỹ được làng xã cung phụng nên cũng nở mày nở mặt. Chứ các chị chống ề thì tội lắm tự cảm thấy mình thiệt thòi, chả thích chơi với ai sinh ra tự kỉ, buồn phiền cũng hay nhai trầu cho đỡ nhạt mồm. Nhà có mấy cây cau không bao giờ bán, cho khắp làng. Mấy bà không chồng hay mon men đến xin. Xin mãi cũng ngại thỉnh thoảng đem biếu anh Đơ quả trứng gà, hoặc đem miếng vỏ đến hai người cùng ăn. Họ cứ ngồi ngay gốc cau ăn trầu nói chuyện chứ nhất định không vào trong nhà. Dân làng tôi mà, Ý tứ lắm. Họ ngại! ai lại đàn bà không chồng mà vào nhà đàn ông không vợ thiên hạ nhìn thấy thì chết. Giữ cả đời được bây giờ chả dại, rồi tiếng để đời. Chả thèm! Hơn nữa lão ấy có tiền sử hủ hóa. Rồi cứ thế, cứ thế. Hàng ngày có các bà đến xin anh những quả cau lép kẹp, biếu anh những quả trứng cũng lép kẹp. Dần dần các bà cùng đến, cùng vui. Bà chìa ra chiếc lá trầu quả trứng, anh lại thò ra quả cau. Không ai bảo ai các bà tự thấy thương nhau, tự thấy có trách nhiệm với nhau. Hôm nào thiếu một bà là các bà đến thăm ngay, chăm sóc nhau như chị em ruột. Anh Đơ lãi to có mỗi mấy quả cau lép mà trở trời trái gió bà nọ đánh cảm bà kia nấu cháo. Tôi mà như anh tôi trả vờ ốm liên tục. Anh Đơ hồng hào béo tốt hẳn lên. Từ một cây tre giờ anh thành hình cái chum, như người mang bầu bẩy tháng. Tóc hai màu lại thành một màu . Anh Cười khằng khặc như được của. 
Tôi lân la nói:
-Anh à, trong các chị ấy anh chọn lấy một chị làm vợ, phòng lúc tắt lửa tối đèn có nhau.
-Vớ vẩn! tao chỉ cần thân với một bà đã chết chứ chưa nói đến lấy.
-Thứ nhất, nếu tao giỏi giang thì cô ấy đã không bỏ
-Thứ hai, tội các bà ấy! Người ta đau khổ bao nhiêu năm. Bây giờ mới tìm được niềm vui. Mình không nên cướp đi nụ cười của họ.
-Thứ ba, tao có cô đơn đâu lại rất hạnh phúc.
-Con người ta, cái quan trọng là tâm hồn chứ không phải là thể xác cô ạ. Cuối cùng anh Đơ không Đơ cũng thành Đơ.
Vô tình vườn cau nhà tôi thành câu lạc bộ cô đơn. Chắc các chị ấy chưa biết mùi vị của ái ân nên không biết thèm. Chắc cũng chưa biết những quả cau mẩy đẹp đến thế nào nên bằng lòng ăn quả cau lép. Thời gian qua đi khao khát mỗi ngày một thui chột. Họ bằng lòng với cái mình có, và tự an uỉ. Ôi mình còn hạnh phúc chán, như chị Đơn ấy còn bị tàng tật . Tuy thế mình vẫn đẹp và mạnh khỏe. Ơn trời!. Dân làng tôi may mà lạc hậu, không biết đến những bà hoàng vung tiền qua cửa sổ, bỏ tiền đến spa làm đẹp, ăn chơi xa xỉ. Nếu biết những điều ấy chắc họ đau lòng lắm. Cuộc đời thật kì lạ. Cả thế giới người ta đua nhau ăn ngon, ăn ngọt . Chẳng ai lại đi ăn thứ “vừa đắng, vừa chát, vừa cay, vừa nồng” ấy. Hay chưa bao giờ được ai đội cau đến nhà nên ăn cho bõ chăng?.Tôi không sao cầm lòng được về sự cô đơn của các chị. Cả đời không biết đến chữ yêu. Vì chiến tranh mà phí hoài tấm thân vàng ngọc. Họ bằng lòng, cam phận. Thật đau lòng!
Một hôm đến sững sờ. Các chị đang ngồi ăn trầu trò chuyện thì Bà Thực đến mời mọi người.
Tưởng cưới con bà ta thì ra:
-Em đến xin lỗi bác Đơ! vì ngày xưa đã để bác một mình chịu ấm ức. Em mời bác cùng các bác...
Mọi người trố mắt?
-Em với anh Đồng đã sinh ra thằng Được. Nay anh ấy không có con trai nên chính thức làm mấy mâm cơm nhận mẹ con em. Mời các bác đến chứng kiến ạ.
-Trời đất! con hai mươi tuổi mới giải oan cho người ta. Đồ quỷ!
-Thật giã man!
Chả là lúc ấy lão Đồng là bí thư mà. Nếu lão ấy có con trai chắc anh Đơ oan đến chết.
Ừ sống có trời! Bây giờ mấy bà vây quanh gốc cau nhà anh già mõ cả rồi không ai bêu dếu gì anh nữa.
Năm nay anh Đơ trồng xen những cây cau mới. Để hy vọng quả ngon hơn và dễ hái. Anh Đơ còn xui các bà. Gây những con mái mới cho những quả trứng to hơn.
Cây cau sau bao năm vẫn đứng thẳng, cho những quả bé tẹo. Quanh gốc nhẵn thín nhờ vết chân của mọi người. Bên những bông hoa sứ, hoa nhài, hoa hồng, thỉnh thoảng bọn gà mái lại đẻ rơi những quả trứng xuống gốc cau. Những đôi bàn tay khô gầy, cầm vôi quyệt vào những lá trầu vàng đã hoen cả mép, cùng những nụ cười móm mém trên vành môi đỏ chót.